Trong bài phát biểu Ngày Giải phóng Dân tộc, kỷ niệm 79 năm ngày độc lập khỏi ách đô hộ của Nhật Bản giai đoạn 1910-1945, Tổng thống Yoon nói rằng ông sẵn sàng bắt đầu hợp tác chính trị và kinh tế nếu Triều Tiên “chỉ tiến một bước” hướng đến phi hạt nhân hóa.
Ông Yoon đã lấy bài phát biểu nêu trên làm cơ hội tiết lộ một kế hoạch chi tiết về thống nhất và tiếp cận lại Bình Nhưỡng sau khi lời đề nghị cứu trợ thiên tai cho nước láng giềng phía Bắc mới đây của ông đã bị từ chối.
Tuy nhiên, một đất nước Triều Tiên thống nhất dường như là cảnh tượng xa vời đối với hầu hết người dân của hai miền Nam Bắc. Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng cùng dân tộc này đã đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua khi Triều Tiên tăng tốc cải thiện năng lực hạt nhân, tên lửa và tiến hành cắt đứt các mối quan hệ với miền Nam, tái định nghĩa Hàn Quốc là quốc gia riêng rẽ, là quốc gia thù địch.
Hồi đầu năm 2024 này, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gọi Hàn Quốc là “kẻ thù chính yếu” và tuyên bố rằng thống nhất liên Triều không còn khả thi nữa
Tổng thống Yoon, trong bài phát biểu nêu trên, nói rằng việc thành lập “nhóm làm việc liên Triều” có thể giúp giảm căng thẳng và xử lý được tất cả các vấn đề từ hợp tác kinh tế tới trao đổi nhân dân và tới tái hợp các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu hợp tác chính trị và kinh tế vào thời điểm Triều Tiên tiến một bước hướng tới phi hạt nhân hóa”, ông Yoon nói trong bài phát biểu tại sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Dân tộc ở thủ đô Seoul.
“Đối thoại và hợp tác có thể mang lại tiến triển thực chất trong các mối quan hệ liên Triều”, ông Yoon nhấn mạnh.
Ông Yoon, trong bài phát biểu đó, cũng đã dấy lên ý tưởng về kế hoạch tổ chức hội nghị về nhân quyền của Triều Tiên và lập quỹ thúc đẩy nhận thức toàn cầu về vấn đề này, hỗ trợ các nhóm hoạt động, và mở rộng khả năng tiếp cận thông tin bên ngoài cho người dân Triều Tiên.
“Giúp đỡ người dân Triều Tiên nhận thức được giá trị của tự do là điều quan trọng”, ông Yoon nói, đồng thời kêu gọi quyền tự do ở miền Nam nên được mở rộng tới “vương quốc khép kín ở miền Bắc”.
“Nếu có thêm nhiều người Triều Tiên nhận thức được rằng thống nhất thông qua tự do là cách duy nhất để cải thiện sinh kế của họ và tin rằng một nhà nước Đại Hàn Dân Quốc thống nhất sẽ đón nhận họ, thì họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, sẽ là lực lượng phe ta cho sự thống nhất dựa trên tự do”, ông Yoon khẳng định.
Hải Đăng