Một quan chức chính phủ cấp cao của Campuchia hôm 11/8 nói rằng nước này hoàn toàn minh bạch khi lập kế hoạch và xây dựng Kênh đào Funan Techo (Phù Nam) mang tính đột phá, và Việt Nam, với tư cách là đồng minh lâu năm của vương quốc này, nên tin tưởng vào chính quyền Campuchia trong việc giám sát quá trình xây dựng, tờ Khmer Times đưa tin hôm 12/8, sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đó nhiều lần yêu cầu Campuchia hợp tác tiến hành một nghiên cứu và đánh giá toàn diện chung về tác động của siêu dự án trị giá 1,7 tỷ đô la này đối với sông Mekong và môi trường xung quanh.
Dự án kênh đào Phù Nam, do Trung Quốc hậu thuẫn, sẽ nối liền Phnom Penh và Vịnh Thái Lan. Dự án này đã gây ra nhiều tranh cãi trong công chúng về những rủi ro an ninh tiềm tàng đối với các nước láng giềng của Campuchia và toàn bộ Đông Nam Á, cũng như khả năng tác động đến sự ổn định của khu vực và tính bền vững của môi trường.
Bất chấp Việt Nam nhiều lần lên tiếng chính thức và thông qua Ủy hội sông Mekong yêu cầu chia sẻ thông tin về dự án kênh đào, Campuchia cho tới nay dường như vẫn không đáp ứng yêu cầu này.
Hôm 5/8, Campuchia đã động thổ xây dựng kênh đào dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hun Manet.
Kênh đào dài 180 km bắt đầu từ làng Prek Takeo thuộc huyện Kien Svay, tỉnh Kandal, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo và Kampot trước khi đổ ra biển ở tỉnh Kep.
Phản ứng về sự kiện này, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt hôm 8/8 nói Việt Nam “ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia và tôn trọng việc Campuchia triển khai Dự án Kênh đào Funan Techo”, nhưng “mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện về những tác động của dự án và có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động”.
Ông So Naro, Bộ trưởng đại biểu phụ trách các vấn đề ASEAN của Campuchia, hôm 11/8 nói với Khmer Times rằng Campuchia hoan nghênh sự hỗ trợ của Việt Nam đối với dự án Kênh đào Phù Nam.
“Chúng tôi thực sự đánh giá cao sự ủng hộ này và đây là một bước tiến tích cực”, ông So Naro nói.
Tuy nhiên, quan chức này tái khẳng định rằng không cần phải nghiên cứu và đánh giá thêm về tác động của Kênh đào Phù Nam vì dự án đã trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng kéo dài 26 tháng do hơn 40 chuyên gia thực hiện và đã đảm bảo dự án sẽ không gây ra tác động lớn nào đến sông Mekong cũng như môi trường xung quanh.
“Chúng tôi đã đưa ra cam kết với chính phủ Việt Nam về dự án thông qua nhiều kênh, bao gồm cả đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của các quốc gia”, ông nói với Khmer Times. “Chúng tôi cũng đã nộp báo cáo phát hiện của mình cho Ủy hội sông Mekong và chính quyền Việt Nam có thể yêu cầu được tiếp cận các tài liệu. Những lo ngại của họ sẽ được giải quyết bằng những phát hiện trong các báo cáo đó”.
Quan chức của Campuchia cho rằng những lo ngại của Việt Nam có thể xuất phát từ niềm tin rằng Kênh đào Phù Nam sẽ cải thiện tính độc lập và tự chủ của Campuchia về mặt vận tải đường thủy và do đó sẽ ít phụ thuộc hơn vào việc sử dụng các tuyến đường thủy của Việt Nam sau khi dự án hoàn thành, vẫn theo Khmer Times.
Kênh đào Phù Nam là một trong số nhiều dự án cơ sở hạ tầng với nguồn vốn vay từ Trung Quốc, đóng vai trò then chốt trong sáng kiến Vành đai con đường (BRI) của Bắc Kinh.
Tờ The Diplomat hôm 7/8 dẫn những phân tích gần đây cho thấy dự án kênh đào này chỉ mang lại lợi ích kinh tế tối thiểu. Tuy nhiên, tầm quan trọng của kênh đào không chỉ giới hạn ở hàng hải, mà có lẽ hướng nhiều hơn đến khai thác mỏ, nông nghiệp và hiện đại hóa công nghiệp ở miền Nam Campuchia, nơi có Căn cứ Hải quân Ream do Trung Quốc hậu thuẫn và các vùng kinh tế của Trung Quốc.
Các chuyên gia trong khu vực và địa phương đã lên tiếng lo ngại về những tác động không thể khắc phục mà kênh đào có thể gây ra đối với hệ sinh thái địa phương và hàng triệu người dân ở cả Campuchia và các tỉnh biên giới Việt Nam.
Về phía Việt Nam, thiết kế kém và quản lý dự án yếu kém có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước hiện tại ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các chuyên gia ước tính trong trường hợp xấu nhất, nghĩa là khi kênh đào được sử dụng để tưới tiêu vào mùa khô, thì hệ thống tưới tiêu do kênh đào tạo ra sẽ chuyển hướng khoảng 30-50% lượng nước sông Mekong vào mùa khô.
Còn nếu kênh đào được “vũ khí hóa” bằng cách chuyển hướng nước từ sông Mekong đến các cửa sông ven biển, như một số nhà phân tích lo ngại, thì điều này chắc chắn có thể khiến an ninh lương thực và nước của Việt Nam gặp rủi ro cực độ, tạo cho Phnom Penh đòn bẩy đáng kể so với nước láng giềng.
Về mặt địa chính trị, kênh đào, với tiềm năng thúc đẩy các khu kinh tế do Trung Quốc hậu thuẫn và các cơ sở quân sự gần biên giới phía tây nam của Việt Nam, đặt ra một thách thức có thể thấy trước đối với an ninh quốc gia của Việt Nam, vẫn theo nhận định của The Diplomat.
VOA Tiếng Việt