Cân bằng chiến lược của Việt Nam giữa các cường quốc toàn cầu khó có thể thay đổi sau khi ông Tô Lâm lên nắm quyền lãnh đạo tối cao trong lúc Hà Nội tìm cách tăng cường quan hệ với cả Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia nói với VOA.
Ông Tô Lâm, vốn từng là ông trùm an ninh của Việt Nam, đã được Ban chấp hành trung ương Đảng nhất trí bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư một hội nghị bất thường hôm 3/8 sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng qua đời. Trước đó hai tháng rưỡi, ông đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước thay ông Võ Văn Thưởng. Việc nắm giữ cả hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước đã đưa ông Tô Lâm trở thành người quyền lực nhất Việt Nam.
Ngay sau khi có tin ông Lâm trở thành tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin là những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng ngay trong ngày 3/8. Ông Tập tuyên bố sẽ làm việc với ông Lâm để tăng cường quan hệ song phương, trong khi ông Putin gọi ông Lâm là ‘đồng chí’, theo các hãng tin Tân Hoa Xã và TASS.
Phải đến bốn ngày sau, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mới gửi lời chúc mừng đến ông Lâm, trong đó ông nói Phó Tổng thống Kamala Harris và bản thân ông ‘mong muốn được làm việc với Tổng Bí thư Lâm để tiếp tục thúc đẩy tiến bộ lịch sử (trong quan hệ giữa hai nước), vốn hỗ trợ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập, thịnh vượng và kiên cường’, trang web của Tòa Bạch Ốc cho biết.
Hà Nội có khuôn khổ quan hệ cao nhất với Hoa Thịnh Đốn, Bắc Kinh và Moscow sau khi nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 năm 2023 và ba tháng sau đó đã đồng ý xây dựng ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ với Trung Quốc.
Lựa chọn và ưu tiên
Tại cuộc họp báo ngay sau khi được bầu làm Tổng bí thư, ông Lâm được báo chí trong nước dẫn lời nói rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam nhìn chung không thay đổi, vẫn đi theo các nguyên tắc là ‘độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa’ – đường lối ngoại giao dưới thời ông Trọng được biết đến với tên gọi ‘ngoại giao cây tre’, tức là giữ cân bằng giữa các siêu cường.
Các phương hướng chính sách đối ngoại hiện tại của Việt Nam đã được định hình và ghi vào văn kiện tại Đại hội Đảng khóa 13 hồi năm 2021, vì vậy nó không thể thay đổi cho đến Đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2026, ông Nguyễn Hồng Hải, giảng viên về Quan hệ Quốc tế tại Đại học VinUni ở Hà Nội, nhận định với VOA.
Ông giải thích chính sách đối ngoại của Việt Nam là sự lãnh đạo tập thể của Bộ Chính trị, cơ quan quyết định tối cao của Đảng, chứ không phải thuộc thẩm quyền của ông Lâm, mặc dù bản thân ông có thể có ảnh hưởng nhất định trong quyết định về phương hướng quan hệ giữa Việt Nam với các nước, như trong trường hợp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Việt Nam sẽ tiếp tục giữ cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ,” ông nhấn mạnh.
Ông Hải lưu ý Hà Nội mô tả mối quan hệ với Bắc Kinh là ‘lựa chọn chiến lược’ còn quan hệ với Hoa Thịnh Đốn tương ứng là ‘ưu tiên chiến lược’. “Lựa chọn về cơ bản là cao hơn ưu tiên,” ông phân tích.
“Tuy nhiên, nếu Việt Nam có chú trọng quan hệ với Trung Quốc hơn thì cũng dễ hiểu vì vị trí địa chính trị cũng như mối liên hệ giữa hai nước trên nhiều phương diện,” giảng viên này nói thêm.
Ông chỉ ra hệ thống phân cấp các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam từ cao xuống thấp là láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác truyền thống và các đối tác quan trọng khác. “Trung Quốc là hội tụ tất cả những ưu tiên này,” ông cho biết.
Tuy nhiên, Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc hơn không có nghĩa là Việt Nam chọn phe. “Việt Nam không chọn đứng về phe Trung Quốc chống Hoa Kỳ, mà cũng không về phe Hoa Kỳ chống Trung Quốc,” ông nhấn mạnh.
Ông Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Canberra, nói với VOA rằng “Việt Nam sẽ hợp tác và đấu tranh với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ để duy trì độc lập và tự chủ chiến lược của mình.”
Ông lưu ý chính sách đối ngoại của Việt Nam về cơ bản phục vụ cho mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại với thu nhập cao vào năm 2045.
“Ông Tô Lâm sẽ theo đuổi các đường lối hành động song song trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc,” ông nhận xét. “Cả hai đường lối này đều nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam.”
Ông Lâm sẽ đến Bắc Kinh vào tuần tới trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi trở thành Tổng bí thư và hy vọng sẽ xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Tập Cận Bình giống như Trọng đã từng làm.
Ông Trọng đã gặp ông Tập 8 lần ở Bắc Kinh và Hà Nội từ năm 2011 đến năm 2024, kể cả khi ông Tập còn là phó chủ tịch nước vào năm 2011. Cả hai nhà lãnh đạo đã cố gắng xây dựng mối quan hệ thân tình với các nghi thức đặc biệt trong các lần thăm viếng nhau như thưởng trà đàm đạo.
“Tất nhiên, mối quan hệ cá nhân của ông Tô Lâm với ông Tập Cận Bình không thể, hay chính xác hơn, là chưa thể so sánh về quan hệ cá nhân giữa ông Trọng và ông Tập ngay được,”
ông Hải nhận xét.
Trên cương vị chủ tịch nước, ông Lâm đã đón tiếp và hội đàm với Tổng thống Nga Putin hồi tháng 6 nhưng chưa bao giờ gặp Tổng thống Biden. Khi ông Biden thăm chính thức Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái, ông Lâm vẫn đang là Bộ trưởng Công an.
Quan ngại nhân quyền
Là lãnh đạo công an từ năm 2016 cho đến năm 2024, ông Tô Lâm giám sát việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến. Ông được cho là đã ra lệnh bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức vào năm 2017, vụ tai tiếng ngoại giao đã thổi bùng căng thẳng Hà Nội với Berlin.
“Là Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm là người chỉ đạo việc sách nhiễu, đe dọa, bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và xã hội dân sự. Không có dấu hiệu nào cho thấy hồ sơ nhân quyền của Việt Nam sẽ có bất kỳ thay đổi nào theo hướng tốt hơn,” Giáo sư Thayer nhận định với VOA.
Ông cho biết Hoa Kỳ đã thiết lập các kênh để truyền đạt mối quan tâm về nhân quyền với Việt Nam trong khi EU có thể viện dẫn các điều khoản về dân chủ và nhân quyền trong Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) nếu Hà Nội có vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Hồ sơ nhân quyền tệ hại của Việt Nam là sản phẩm của hệ thống chính trị độc đảng dưới sự lãnh đạo tập thể do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo trong 13 năm qua, chứ không phải của một mình ông Tô Lâm, ông Thayer lưu ý. Trong thông điệp chúc mừng Tô Lâm, ông Tập Cận Bình bày tỏ sự ủng hộ đối với công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, một nước láng giềng gần gũi, và không đề cập gì đến vấn đề nhân quyền.
Khi được hỏi liệu hồ sơ nhân quyền của ông Tô Lâm có gây trở ngại cho việc tiếp cận Hà Nội của Hoa Thịnh Đốn và Brussels hay không, ông Thayer chỉ ra các cuộc gặp giữa ông Lâm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken và ông Josep Borrell Fontelles, đại điện cao cấp về đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) khi họ đến Hà Nội vào tháng trước để tham dự tang lễ của ông Trọng.
Ông Blinken được cho là đã đảm bảo với ông Lâm rằng Hoa Kỳ trân trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, trong khi ông Fontelles nói EU mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện.
Khi ông Tô Lâm lên làm Chủ tịch nước hồi tháng 6, các nhà lãnh đạo châu Âu trong đó có Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Vua Anh Charles Đệ Tam đều đã gửi điện chúc mừng, ông Hải ở Đại học VinUni chỉ ra.
“Nhìn chung, cách tiếp cận của Hoa Kỳ và EU đối với Việt Nam không thay đổi,” ông Hải nói thêm.
“Hoa Kỳ và EU quan tâm đến chính sách và đường lối ngoại giao của Việt Nam, chứ vai trò của cá nhân không có ảnh hưởng nhiều.”
VOA Tiếng Việt