Hai nhóm công tác và hơn 10 báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc vừa yêu cầu chính phủ Việt Nam và Thái Lan giải trình về những “nỗ lực gây quan ngại” của Hà Nội trong việc cưỡng ép hồi hương người Thượng tị nạn ở Thái Lan và khả năng hợp tác của Bangkok trong những nỗ lực đó.
Trong hai bức thư riêng rẽ cùng đề ngày 14/6/2024 gửi đến chính phủ hai nước, các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhắc lại các sự kiện gần đây khiến họ quan ngại.
Một đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam, trong đó có giám đốc công an tỉnh Gia Lai, vào ngày 14/3/2024, đã đến những khu dân cư tập trung đông người Thượng tị nạn ở phía bắc Bangkok và được cảnh sát Thái Lan cũng như nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tháp tùng, bức thư mô tả. Thư dẫn lời những người tị nạn cho biết thêm rằng phái đoàn này đã “thẩm vấn và gây áp lực buộc họ trở về Việt Nam”.
Phái đoàn Việt Nam tố cáo nhóm người tị nạn đã rời khỏi Việt Nam bất hợp pháp, nhưng hứa sẽ khoan hồng và hỗ trợ cho việc hồi hương, đồng thời đe dọa sẽ bắt giữ và sẽ áp dụng các hành vi xử lý khác nếu họ từ chối hồi hương.
Một ngày trước đó, hôm 13/3/2024, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam đã gặp gỡ đại diện chính phủ Thái Lan, bàn về đề xuất thỏa thuận dẫn độ song phương, vẫn theo thư yêu cầu giải trình của Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện, Nhóm công tác về việc mất tích cưỡng bức hoặc không tự nguyện và hơn 10 Báo cáo viên Đặc biệt LHQ.
Ngoài ra, sau các vụ việc trước đây liên quan đến các nhà hoạt động chỉ trích chính phủ như blogger Đường Văn Thái và nhà báo Trương Duy Nhất được cho là bị an ninh Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan và đưa về Việt Nam cầm tù cũng khiến cho những người Thượng tị nạn lo sợ vì việc này có thể xảy với họ, bức thư ghi nhận.
Các chuyên gia LHQ cũng bày tỏ sự “quan ngại đặc biệt” về trường hợp của ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ), bị chính phủ Thái Lan bắt giam ngày 11/6/2024 sau khi ông bị chính quyền Việt Nam xử vắng mặt 10 năm tù với cáo buộc “khủng bố”.
“Có nhiều lý do để tin rằng vụ bắt giữ này được thực hiện liên quan đến yêu cầu dẫn độ từ Việt Nam về bản án 10 năm tù vì tội ‘khủng bố’ và nếu ông bị buộc phải trở về Việt Nam, tính mạng của ông có thể bị đe dọa”, bức thư viết.
Riêng trong bức thư gửi chính phủ Việt Nam, các chuyên gia LHQ còn yêu cầu giải trình lý do mà Bộ Công an Việt Nam đã liệt nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ) vào danh sách tổ chức khủng bố ngày 6/3/2024; điều tra về cái chết bất thường của thầy truyền đạo Y Būm Byă ngày 8/3/2024 ở Đắk Lắk; cũng như tình trạng đối xử người Thượng ở Tây Nguyên và liệu việc đối xử như thế có phù hợp với các quyền căn bản như quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, quyền của người bản địa, tự do biểu đạt, tự do nhóm họp…
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Thái Lan, đề nghị họ đưa ra bình luận về văn thư yêu cầu giải trình của các chuyên gia LHQ, nhưng chưa được trả lời.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ khu vực Đông Nam Á nói trong một thông cáo hôm 13/8 rằng đã quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày văn thư của các chuyên gia nhân quyền được gửi đi, nhưng cả hai chính phủ Việt Nam và Thái Lan đều chưa phản hồi.
Ý kiến của giới hoạt động
Giới tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam bày tỏ rằng những người Việt tị nạn tại Thái Lan cảm thấy bất an trước sự cộng tác ngày càng thắt chặt giữa Hà Nội và Bangkok trong lĩnh vực an ninh.
“Tôi nhận thấy chính quyền Việt Nam và Thái Lan hợp tác ngày càng chặt chẽ và tôi cũng không hiểu vì sao chính quyền Thái Lan lại nghe theo lời yêu cầu của chính quyền Việt Nam như vậy”, mục sư A Ga ở bang North Carolina, Hoa Kỳ, chia sẻ quan điểm cá nhân với VOA. “Chúng tôi thấy cảnh sát Thái Lan thường truy lùng anh em tị nạn tại Thái Lan, đặc biệt là những nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền”.
Nhà hoạt động Lê Văn Thương đang tị nạn chính trị tại Thái Lan đưa ra quan sát của ông với VOA rằng chính phủ Việt Nam đang ngày càng hợp tác chặt chẽ với chính phủ Thái Lan để bắt người tị nạn hồi hương.
“Mối hợp tác giữa an ninh Việt Nam và Thái Lan càng ngày càng lớn hơn và như vậy càng gây thêm sự nguy hiểm cho người tị nạn”, ông Lê Thương nói. “Nhiều người sống trong nước thì không được nên sang bên Thái Lan tị nạn, mà sang đây thì cảm thấy bất an và lo lắng”.
Vào cuối tháng 4/2024, đài truyền hình Gia Lai đưa tin rằng Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến công tác sang Thái Lan để “gặp gỡ” những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.
Đài này đưa tin rằng ông Lâm “đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con” và khẳng định rằng những ai có nhu cầu trở về Việt Nam, Đảng, Nhà nước và đồng bào quê hương “sẵn sàng đón nhận”.
Ngoài ra, đài này còn cáo buộc rằng một số đối tượng trong các “tổ chức phản động” đã xuyên tạc rằng đoàn công tác này sang yêu cầu bà con về nước, “tới đây chuẩn bị cho một cuộc bắt bớ, xử lý những người hồi hương”.
Hồi tháng 12/2023, báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin rằng trong thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan “không ngừng phát triển”. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện cam kết không để cho bất kỳ cá nhân tổ chức nào lợi dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia và ngược lại.
Ngoài ra, trang báo đảng còn cho hay rằng hai bên sẽ tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp về phòng, chống tội phạm; trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, phương thức thủ đoạn phạm tội, các nguy cơ đe dọa an ninh trật tự của mỗi nước.
VOA Tiếng Việt